Chủ tịch SRF Nguyễn Hữu Thịnh: Sự bảo thủ không phải lúc nào cũng dở

Chủ tịch HĐQT SRF Nguyễn Hữu Thịnh

Từng bảo thủ không theo “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nhưng Searefico đã vượt qua được giai đoạn gian khó nhất bằng chính định hướng đi bằng 2 chân của mình ở cả 2 lĩnh vực Lạnh công nghiệp và M&E.

Hoạt động khá thầm lặng và kín tiếng, ít ai biết rằng Công ty Cổ phần Kỹ Nghệ Lạnh – Searefico (HOSE: SRF) là doanh nghiệp có đến 20 năm phát triển. SRF là doanh nghiệp chuyên thiết kế, thi công hệ thống lạnh cho khoảng 60% khách hàng trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản. Đây là lĩnh vực kinh doanh mang lại biên lợi nhuận cao, đóng góp chính vào lợi nhuận của doanh nghiệp này trong suốt giai đoạn mảng thi công cơ điện (M&E) hầu như tê liệt vào giai đoạn thị trường địa ốc rơi vào khủng hoảng sau 2009.

Đến khi thị trường bất động sản phục hồi năm 2015, đó cũng là lúc mà SRF cho thấy chiến lược đi bằng hai chân của mình đúng đắn. Cùng với sự trỗi dậy của mảng M&E, công ty liên tiếp trúng những gói thầu lớn ở phân khúc cao cấp như khách sạn – resort 5 sao, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng. Nhờ đó, SRF gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ” cuối năm 2015, tạo ra một trang sử mới trong lịch sử phát triển của công ty. Nếu 6 năm khó khăn, công ty cắt bỏ đi “cái nhọt” M&E như cái lẽ thường là cành cây đã yếu thì phải mạnh dạn cắt bỏ để dồn sức nuôi cành khoẻ thì chắc chắn, SRF không có ngày này.

Năm 2016, SRF tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng 26% so với năm 2015, đạt mức 1.316 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông SRF cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của SRF năm 2016 đạt 3.920 đồng/cổ phiếu.

Đi hai chân vẫn chưa đủ

Nhìn lại 8 năm niêm yết, chủ tịch HĐQT cho hay, một thành công khác có được như hệ quả tất yếu của sự bảo thủ đúng đắn của công ty đó là cổ phiếu SRF đã có một năm tăng trưởng đột phá. Đây cũng là năm mà cổ phiếu SRF tăng giá mạnh nhất kể từ khi niêm yết năm 2009 đến nay.

Biến động giá cổ phiếu SRF từ khi niêm yết năm 2009

Chủ tịch HĐQT SRF Nguyễn Hữu Thịnh cho rằng, sự tăng giá cổ phiếu một mặt đã đáp ứng sự kỳ vọng của nhà đầu tư và cổ đông, song nó lại gây áp lực với ban lãnh đạo công ty trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong những năm qua. Liệu rằng SRF sẽ làm gì để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng nhiều bất trắc?

“Nhiều người nhận xét chúng tôi như những người thận trọng đến mức bảo thủ khi duy trì chính sách phát triển của mình. Dù vậy, nếu nhìn vào tốc độ bình quân đạt gần 30%/năm nhưng đồng thời SRF cũng được các ngân hàng xếp hạng tín nhiệm AAA cũng có thể nói rằng, chúng tôi đang đi đúng theo con đường chúng tôi đã chọn.

Nói vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy rằng, những kết quả đó sẽ chẳng là gì nếu chúng tôi không tiến lên, không ngừng học hỏi, cải tiến, ứng dụng công nghệ cao vào quản lý thi công và giám sát để làm mạnh mình trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt này”, Ông Nguyễn Hữu Thịnh chia sẻ.

Nói về công nghệ, lãnh đạo SRF rất khiêm tốn cho rằng, hiện SRF là số ít doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ BIM 4D, 5D vào hoạt động thiết kế thi công. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Hiện nay SRF đang cùng đối tác chiến lược Nhật Bản để phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong mảng M&E. Song song đó, SRF cũng đang cùng đối tác khác đến từ Châu Âu nghiên cứu chế tạo vật liệu xây dựng mới, bổ trợ cho lĩnh vực kinh doanh và không ngừng phát triển thêm mảng lạnh công nghiệp, vốn là thế mạnh truyền thống của SRF.

Con người vẫn là yếu tố quyết định

Trước câu hỏi dựa vào đâu SRF có thể tự tin thành công trong những gói thầu lớn về M&E và cả các dự án đầu tư trong mảng lạnh công nghiệp? Ông Thịnh cho biết: “Thứ nhất là công nghệ chúng tôi đã nắm chắc. Thứ 2, là kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành nên chúng tôi biết know how và biết cách kết nối để phát triển sản phẩm. Và tất cả những điều đó đều nằm trong một vấn đề chính, đó là con người”.

Trình độ nhân lực của SRF trong 2 năm gần đây đã có sự cải tiến đáng kể từ nguồn đầu vào và môi trường đào tạo cũng đã tốt hơn. SRF không ngại chi một khoản ngân sách đến nhiều tỷ đồng cho công tác đào tạo. Ngoài ra, còn có phần hỗ trợ đáng kể của đối tác Nhật. Tập đoàn Taisei Oncho đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc đào tạo phát triển đội ngũ quản lý đủ sức triển khai, vận hành các dự dự án nói trên.

Ông Thịnh còn nói thêm, thậm chí khi thị trường trong nước suy giảm thì SRF cũng phải sẵn sàng cho thị trường nước ngoài. Mặc dù hiện nay sản phẩm của lạnh công nghiệp của SRF đã xuất khẩu sang một số nước trong khu vực và Ấn Độ, thế nhưng vẫn dừng ở quy mô nhỏ. Nguyên nhân là do nguồn lực về con người vẫn còn hạn chế.

“Khi ra nước ngoài thì phải có cái gì? Chúng ta không thể mang nhân công ra nước ngoài được. Mà đó phải là công nghệ, là bộ máy quản lý, là con người.” Ông Thịnh nói.

Thế nhưng, một vấn đề mà lãnh đạo này còn trăn trở đó chính là làm sao giữ chân người tài tại Công ty để phục vụ cho sự phát triển của SRF sau này cũng là một điều mà ông và các cộng sự đang cố gắng thực hiện.

Quan điểm của lãnh đạo SRF là “Chúng ta không thể mong nhận lại ở người khác một điều mà chúng ta không thể cho đi”. Do đó, muốn nhân tài ở lại, chỉ có một cách là đừng xem họ là nhân viên mà xem họ là người đồng hành. Theo hướng đó, SRF ngày càng có những chính sách tốt hơn cho nhân viên, xây cho họ một con đường phát triển và đi cùng họ.

“Chúng tôi đã tạo ra lợi ích rất tốt cho cổ đông trong những năm qua. Nhưng trong nội bộ chúng ta, đến thời điểm này, tôi nghĩ phải dành một phần thưởng xứng đáng để khích lệ tinh thần nhân viên – những người đồng hành đã và đang đóng góp vào sự phát triển của SRF, và gắn lợi ích của họ đồng hành cùng với sự phát triển của Công ty.” Ông Thịnh nói.

Xây thương hiệu, phải xây từ uy tín

Nói với chúng tôi về việc có bao giờ bị chậm tiến độ công trình hay chưa? Ông Thịnh cười cho rằng, ít ai trong ngành này dám nói chắc 100% là không nhưng ở SRF thì trường hợp đó thì rất ít và hầu như không đáng kể.

“Năm 2016 là năm mà chúng tôi nhận được rất nhiều thư khen ngợi từ các chủ đầu tư và khách hàng đối với dịch vụ mà chúng tôi đã cung cấp. Câu chuyện là dù có thư khen nhưng khi audit nội bộ mà thấy lỗi thì vẫn bị lãnh đạo công ty ra quyết định phạt như thường. Chúng tôi lấy con mắt nhà nghề để đánh giá và kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng và chữ tín.”

Nói về uy tín thương hiệu của SRF, ông Thịnh khá bức xúc vì trong năm 2016 có công ty đã mạo danh thương hiệu SRF đi đấu thầu và trúng thầu một số công trình ngay trên chính tên tuổi mà SRF đã tạo dựng. Điều này cho thấy một phần rất tiêu cực trong cách kinh doanh của doanh nghiệp Việt chúng ta. Kinh doanh theo lối mòn chụp giựt “ăn theo” trên uy tín thương hiệu của doanh nghiệp khác không chỉ làm tổn hại lẫn nhau mà còn góp phần làm xấu đi giá trị thương hiệu Việt Nam.

Dù vậy, nói vui theo hướng tích cực thì điều đó cũng phần nào nói lên rằng tên tuổi của SRF đã có chỗ đứng vững trên thương trường, được tín nhiệm cao trong mắt khách hàng đến nỗi đối thủ phải mạo danh. Nhưng mặt khác, SRF đã phải mất nhiều thời gian để tái khẳng định sự minh bạch thương hiệu, tiến hành khởi kiện, yêu cầu doanh nghiệp đó ngưng sử dụng thương hiệu SRF ngay lập tức.

Ngoài ra, hiện có rất nhiều doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc về thi công với giá đấu thầu rẻ hơn. “Nhưng chúng tôi không chọn con đường đó. Chúng tôi trung thành với triết lý kinh doanh của mình”, ông Thịnh dứt khoát. “Thậm chí ngay cả trong suốt gần 8 năm lên sàn SRF chưa từng bị phạt bất cứ lỗi gì. Đó là vì chúng tôi cũng là số ít doanh nghiệp nhận thức rõ việc thuê kiểm toán chuyên nghiệp nhất, thuộc nhóm “Big 4” ngay từ ngày đầu kể từ lúc IPO. Cùng với việc phát triển kiểm soát nội bộ giúp chúng tôi nhanh chóng tìm ra những khe hở trong hoạt động và có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.”

Chia sẻ về triển vọng tăng trưởng của SRF, ông Thịnh nói: “Trước mắt, mục tiêu cách đây 5 năm của chúng tôi đang đi đúng hướng. Đến năm 2018 mục tiêu SRF sẽ đạt doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng. Và chúng tôi nhất định làm được. Xa hơn, chúng tôi đã có sẵn hướng đi và từng bước rõ ràng, nhưng đi bước nào phải thật chắc bước đó.”

Hải An

Theo Trí thức trẻ