Đông Nam Á chiếm hơn một nửa các điểm đến hàng đầu cho  LGBT Trung Quốc. Ba yếu tố chính làm nên sức hấp dẫn và thúc đẩy sự quan tâm của phân khúc người mua tiềm năng này là thái độ khoan dung, phạm vi tiếp cận gần và giá cả phải chăng.

Mức độ đầu tư bất động sản tại những thành phố lớn của Châu Á như Bangkok, Manila, Thành phố Hồ Chí Minh hay Phnôm Pênh đã tăng trưởng đạt mức 2 con số nhờ cộng đồng 90 triệu người LGBT Trung Quốc.

Quy mô thị trường

90 triệu người dùng LGBT Trung Quốc đã tạo nên “nền kinh tế màu hồng” lớn thứ 3 thế giới bao gồm Hoa Kỳ và châu Âu.

LGBT Trung Quốc có sức chi tiêu rất lớn. Tổng sức mua năm 2017 là 938 tỷ đô la, nhiều hơn gấp 3 lần so với con số 300 tỷ đô la trong năm 2015. Trong khi đó, LGBT Hoa Kỳ khiêm tốn hơn với mức tăng nhẹ từ 933 lên 965 tỷ đô la. Điều này đã biến cộng đồng LGBT Trung Quốc trở thành thị trường có sức mạnh tiêu dùng lớn thứ ba và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng thu nhập bình quân hằng tháng của người LGBT Trung Quốc cao gấp 5 lần mức thu nhập tbình quân quốc gia. Lợi thế trong thu nhập khả dụng của họ có thể còn lớn hơn vì không có những khoản chi tiêu cho con cái.

Thu nhập bình quân hằng tháng và thu nhập khả dụng tăng dần theo thời gian khiến cộng đồng LGBT ở Trung Quốc đạt đến mức độ giàu có cao hơn. Dân số LGBT tại Trung Quốc sở hữu tài sản hộ gia đình trị giá 1,5 nghìn tỷ đô la. Đây là con số cao đáng ngạc nhiên so với cộng động LGBT ở các quốc gia khác trừ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một phân khúc thị trường tiềm năng về quy mô và mức độ giàu có như vậy lại rơi vào “điểm mù” của các nhà tiếp thị bất động sản tại Trung Quốc.

Động lực mua sắm

Mặc dù tạo nên những con số ấn tượng trong mức thu nhập và khả năng chi tiêu, các cá nhân LGBT phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Đồng tính luyến ái chính thức được phân loại vào một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc vào cuối năm 2001.

Hơn một nửa số người đồng tính cho biết về những định kiến xã hội và đối xử không công bằng ở Trung Quốc đại lục mà họ phải chịu đựng. 58% người LGBT chia sẻ về thái độ của gia đình họ là “chối bỏ hoàn toàn” đối với xu hướng tình dục này, và chỉ 5% cảm thấy đủ thoải mái để hướng ngoại và công khai sở thích tình dục của họ.

Đặc điểm hành vi tiêu dùng của LGBT Trung Quốc

Xu hướng đầu tư bất động sản quốc tế của người LGBT khác với phần lớn người Trung Quốc vì hai nguyên nhân chính

Thứ nhất, quyết định mua bất động sản nước ngoài của LGBT không bị chi phối bởi những nhu cầu của gia đình truyền thống có bố mẹ và các con. Gần ¾ người dân Trung Quốc đầu tư bất động sản nước ngoài với mục đích đưa con du học sang quốc gia đó. Tuy nhiên, bộ phận LGBT Trung Quốc chọn mua hay thuê nhà ở nước ngoài nhằm mục địch du lịch nghỉ dưỡng là chính, vì họ không bị ràng buộc bởi con cái.

Thứ hai là mối liên hệ giữa địa điểm du lịch mà người LGBT Trung Quốc đến và nơi họ chọn mua bất động sản. Vì vấp phải những định kiến xã hội ở Trung Quốc đại lục, cộng đồng LGBT của quốc gia này có xu hướng đi sang các quốc gia có thái độ thân thiện và ôn hòa hơn. Tại những quốc gia này, họ có thể tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái và có khả năng cao trong việc sở hữu hay mua bán bất động sản.

Sức hút từ các quốc gia Đông Nam Á

Đông Nam Á hội tụ 5 điểm đến hấp dẫn cho cộng động LGBT Trung Quốc có nhu cầu đầu tư bất động sản. Ba yếu tố chính làm nên sức hấp dẫn và thúc đẩy sự quan tâm của phân khúc người mua này là  thái độ khoan dung, phạm vi tiếp cận gần và giá cả phải chăng.

Các thành phố lớn của các quốc gia Đông Nam Á như Bangkok, Phnom Penh, Manila, Phuket và Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng là thành phố thân thiện và cởi mởi với khách du lịch là LGBT. Thái độ khoan dung này bắt nguồn từ phong cách sống năng động và ôn hòa của người địa phương, đồng thời cũng xuất phát từ mong muốn đầu tư quốc tế có lợi dưới mọi hình thức.

Đông Nam Á chiếm hơn một nửa các điểm đến hàng đầu cho người mua bất động sản quốc tế là LGBT Trung Quốc do khả năng tiếp cận trong phạm vi gần và khả năng chi trả tương đối. Ngược lại, ở cả Trung Quốc đại lục và tại các thị trường khác như Hồng Kông, Singapore và Sydney đòi hỏi mức giá cao, lệ phí và những rào cản đang khiến việc đầu tư bất động sản trở nên khó khăn hơn.

1. Bangkok

Thái Lan có lẽ là quốc gia cởi mở nhất ở châu Á và Bangkok được mệnh danh là thủ đô đồng tính của châu Á.

Bangkok được xem là thiên đường đối với người đồng tính. Hoạt động tình dục đồng giới được hợp pháp hóa ở Thái Lan. Các nhà sư Phật giáo thường hành lễ cho các cuộc hôn nhân đồng tính. Một số công ty du lịch cung cấp các chuyến đi dành cho đối tượng khách là người đồng tính đến Thái Lan. Và chủ sở hữu quán bar địa phương còn cho biết  họ đã thêm các bài hát Trung Quốc vào danh sách nhạc của họ để thu hút khách hàng LGBT Trung Quốc.

Với giá 4.500 USD trên mỗi mét vuông, các căn hộ chung cư cao cấp mới ở Bangkok được bán với giá bằng 1/6 giá của những ngôi nhà tương tự ở Hồng Kông. Đối với người mua cao cấp có thể có được những ngôi nhà lớn hơn, tiếp cận nhiều địa điểm trung tâm hơn và được trang bị nội thất cao cấp hơn ở Bangkok so với Hồng Kông, và nhiều thành phố châu Á khác.

Đối với phân khúc người mua bình dân, Bangkok cũng cung cấp các chung cư giá cả phải chăng từ $130.000. Đó là một trong những mức thấp nhất trong bất kỳ thành phố lớn nào phổ biến với người mua từ Trung Quốc đại lục.

Bất chấp nền kinh tế bất ổn của Thái Lan, bất động sản ở Bangkok được xem như một khoản đầu tư hấp dẫn đối với người mua LGBT Trung Quốc. Giá đất ở Bangkok đã tăng 1000% trong 30 năm qua và giá nhà chung cư ở trung tâm đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.

2. Phuket

Phuket là một trong những điểm nghỉ mát với nhiều  bãi biển nổi tiếng nhất ở châu Á. Hàng chục địa điểm được mở ra nhằm phục vụ 1 đối tượng khách hàng duy nhất là LGBT, đặc biệt là ở khu vực Patong. Mỗi tháng tư, hàng ngàn người đến tham dự nhiều lễ hội  dành riêng cho LGBT kéo dài một tuần ở Phuket.

“Tôi có rất nhiều người bạn cảm thấy không an toàn khi ở Trung Quốc và họ cần nơi để lẩn trốn. Ở Thái Lan, họ không phải lo lắng”, Ji Chengfeng, một doanh nhân 37 tuổi đến từ Bắc Kinh chia sẻ.

Trong  thảm họa chèo thuyền ở Phuket ngày 5 tháng 7 năm 2018 có 47 khách du lịch phần lớn là người Trung Quốc đã chết. Do đó, nhu cầu mua giảm xuống 17% mức trung bình dài hạn. Tuy nhiên, các nhu cầu đối với bất động sản ở Phuket vào giữa năm 2018 vẫn duy trì  ở mức gần gấp đôi cùng kỳ năm 2017.

3. Manila

Philippines là nơi diễn ra cuộc diễu hành tôn vinh đồng tính đầu tiên của châu Á vào năm 1994. Ngày nay thành phố này tự hào có một cộng đồng vận động và những hoạt động giải trí về đêm sôi nổi dành cho LGBT.

Mức tăng trưởng tại Manila đã được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp gia công sản xuất phát triển mạnh. Trong quý đầu tiên của năm 2018, GDP hàng năm tăng trưởng với tốc độ 6,8%. Giá nhà ở Manila đã tăng trong ba năm qua và giá thuê đã tăng từ 5% đến 10% mỗi năm.

Theo Juwai.com căn hộ 1 phòng ngủ ở thành phố Quezon có giá khởi điểm đề xuất khoảng 62.000 USD. Sự quan tâm của LGBT đối với bất động sản Manila là rất cao. Nhu cầu của khách hàng Trung Quốc đã tăng 122% trong quý đầu tiên của năm 2018 so với quý trước.

4. Phnôm Pênh

Người đồng tính Trung Quốc xem Campuchia là nơi cư trú an toàn vì đặc tính văn hóa khoan dung của quốc gia này. Thêm vào đó, Phnom Penh cung cấp giá bất động sản tương đối thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ngành công nghiệp bất động sản theo định hướng Trung Quốc.

Campuchia là một thành viên chủ chốt và tham gia sáng kiến “Vành Đai, Con Đường” – “chính sách này liên quan đến việc Trung Quốc bảo lãnh hàng tỷ đô la để đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền quốc gia này với châu Âu.” (Theo nghiencuuquocte.org). Chính vì lý do này, đối với các nhà chức trách ở Bắc Kinh,  việc chủ đầu tư Trung Quốc dấn thân vào thị trường Campuchia là hoàn toàn lành tính.

Các nguồn tin trong ngành cho biết hiện nay thủ đô Phnôm Pênh có 8,942 căn hộ cao cấp, sẽ có 22.828 vào cuối năm 2018 và khoảng 30.000 vào năm 2020.⁠ Nhu cầu của người mua Trung Quốc tăng 19% trong nửa đầu năm 2018.

5. Thành phố Hồ Chí Minh

Người mua Trung Quốc chiếm khoảng 25% tổng số người mua nước ngoài và nắm giữ 30% các dự án chung cư ở Sài Gòn. Các căn hộ cao cấp ở trung tâm thành phố có giá bằng một nửa các căn tương đương ở Bangkok, và thấp hơn 10% so với giá các căn ở Hồng Kông.

Dữ liệu của Juwai.com chỉ ra rằng Thành phố Hồ Chí Minh tuy nhận được đầu tư ít hơn các thành phố trong khu vực Đông Nam Á như Bangkok, Manila hay Hồng Kông, nhưng nhu cầu đã tăng lên kể từ năm 2016. Trong nửa đầu năm 2018, người mua Trung Quốc đã thực hiện nhiều hơn 68% giao dịch so với năm trước.

Các nhà tiếp thị bất động sản đang so sánh thành phố Hồ Chí Minh với Thượng Hải ngay cả trước khi làn sóng xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị hóa bắt đầu, và nhiều người cho rằng những lợi ích to lớn về giá trị có thể vượt xa trong thập kỷ tới.

Lược dịch nguồn www.worldpropertyjournal.com